Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải tại các làng nghề được thành phố Hà Nội quan tâm. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội mới có 14 cụm công nghiệp làng nghề đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải ở làng nghề chỉ đạt khoảng 5,2%.
Hà Nội với hơn 1.300 làng nghề, nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm xen kẽ giữa khu dân cư, do đó việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn, bất cập. Với sự phát triển nhanh, mạnh của các làng nghề khiến chất lượng môi trường tại cnơi đây đang bị đe dọa nghiêm trọng do ô nhiễm nguồn nước, rác thải, bụi, tiếng ồn, trong khi công tác xử lý ô nhiễm, nước thải chưa được quan tâm đúng mức.
Các loại rác thải phế liệu nhựa được chất đống ven sông Nhuệ tại làng nghề tái chế xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa)
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, giai đoạn 2019 – 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố kết quả đã thực hiện tại 228 làng nghề và phân loại theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và môi trường cho thấy trong 228 làng nghề được đánh giá, phân loại có 103 làng nghề được phân loại ô nhiễm nghiêm trọng, 74 làng nghề được phân loại ô nhiễm và 52 làng nghề không ô nhiễm.
Kết quả thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải làng nghề cho thấy trong 40 cụm công nghiệp làng nghề đã và đang thành lập có 14 cụm công nghiệp làng nghề đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (3 cụm công nghiệp làng nghề đã có hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động, 11 cụm đang được đầu tư xây dựng, hoàn thành trong năm 2020).
Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý (thống kê trên số liệu điều tra, khảo sát 293 làng nghề từ năm 2017 đến 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) khoảng 5,2%.
Để giảm thiểu ô nhiễm, Thành phố đã thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải làng nghề. Tiêu biểu như nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, xã Dương Liễu huyện Hoài Đức công suất 20.000m3/ngày đêm xử lý nước thải cho các làng nghề Cát Quế, Minh Khai và Dương Liễu, đã hoàn thành đưa vào vận hành chính thức từ tháng 1/2017.
Dự án nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, 8.000m3/ngày đêm đã được khởi công tháng 12/2015, hiện tại nhà máy đã cơ bản hoàn thành, đang tổ chức vận hành chạy thử, dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong năm 2020.
Ngoài ra Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường làm chủ đầu tư, tổ chức kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Hoài Đức (4.000m3/ngày đêm); dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, công suất 1.000m3/ngày đêm…
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai công tác khảo sát, lập dự án “Thí điểm đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo mô hình hợp tác công – tư” tại làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức…
Tuy nhiên, nhìn chung số lượng các cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải vẫn thấp, tỷ lệ thu gom, xử lý chưa cao, ở nhiều nơi vẫn nước thải vẫn được xả thẳng ra môi trường, nhiều doanh nghiệp, cơ sở vẫn đang loay hoay tìm cách xử lý nước thải…
Do đó để giải bài toán xử lý nước thải làng nghề, một số chuyên gia môi trường cho rằng, các cơ quan quản lý môi trường địa phương nơi có làng nghề cần phải sớm xây dựng những quy chuẩn đặc thù về nước xả thải cho từng làng nghề và có những biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ.
Song song với đó, cũng có những biện pháp tuyên truyền phù hợp để nâng cao nhận thức của người dân về phương thức sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Đồng thời cần có những chính sách, cơ chế mở để khuyến khích các hộ sản xuất có công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm mục tiêu phát triển làng nghề bền vững trong tương lai.
Theo laodongthudo.vn
Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng ở nước ta còn nhiều hạn chế.