Vietwater 2021: Cập nhật xu hướng ngành nước, thích ứng với biến đổi khí hậu

Vietwater 2021: Cập nhật xu hướng ngành nước, thích ứng với biến đổi khí hậu

12/11/2021 16:05

Sự kiện Triển lãm hội thảo quốc tế ngành nước Việt Nam – Vietwater 2021 đã được Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) tổ chức trực tuyến từ ngày 10 đến 11/11/2021 trên nền tảng Digital Connect.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, VWSA, Infoma markets, Hiệp hội Nước quốc tế, chuyên gia cấp cao về nước của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Hội ngành nước Australia cùng các nhà quản lý, các nhà khoa học và đại diện các đơn vị hoạt động trong ngành nước trên toàn quốc.

Sự kiện bao gồm 2 hoạt động chính là Hội thảo chuyên ngành và kết nối doanh nghiệp. Trong khuôn khổ VIETWATER 2021 có 3 Hội thảo chuyên đề là: Giải pháp cấp nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Thoát nước, xử lý nước thải và kiểm soát ngập úng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; Chuyển đổi số ngành Nước ở Việt Nam. Kèm theo đó là một triển lãm quốc tế trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, giới thiệu về các giải pháp, vật tư, thiết bị và công nghệ tiến tiến của ngành nước Việt Nam và quốc tế.

Sự kiện VIETWATER 2021 được diễn ra trực tuyến trên nền tảng Digital Connect. Nguồn: Vietwater.com

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, cùng với tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường bao gồm ô nhiễm không khí, nước và chất thải rắn… Trong đó, các yếu tố chính góp phần ảnh hưởng đến những vấn đề này như: Tốc độ tăng dân số cao; đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh; thực thi luật pháp về bảo vệ môi trường hạn chế; nguồn lực về bảo vệ môi trường không đủ và đặc biệt là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Điều này dẫn đến những áp lực lớn đối với môi trường đô thị, đặc biệt là các hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó phải kể tới hệ thống thoát nước đã lỗi thời, không bắt kịp tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay.

Trong những năm gần đây, ngành Nước Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Về cấp nước đô thị, trên cả nước đã sản xuất 10,6 triệu m3/ngày đêm, cung cấp đầy đủ cho nhu cầu sinh hoạt, dịch vụ và sản xuất của người dân đô thị. Tỷ lệ cung cấp nước khu vực đô thị đạt trên 89%, cấp nước nông thôn khoảng 88%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt trên 51%.

Về thoát nước và xử lý nước thải, Việt Nam hiện có 71 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang hoạt động với tổng công suất thiết kế là 1,4 triệu m3/ngày, công suất vận hành thực tế là 670 nghìn m3/ngày đêm. Ngoài ra, 78 dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị cấp tỉnh đang trong quá trình thiết kế, thi công với tổng công suất thiết kế khoảng 3 triệu m3/ngày.

VIETWATER 2021 tập trung thảo luận 3 vấn đề: Giải pháp cấp nước thích ứng với biến đổi khí hậu; Thoát nước, xử lý nước thải thích ứng với biến đổi khí hậu và Chuyển đổi số ngành Nước Việt Nam. Nguồn: Báo Xây dựng

Tuy nhiên, ngành Nước Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, năng lực quản lý vận hành của nhiều doanh nghiệp còn chưa bắt kịp tiến bộ của Cách mạng công nghiệp 4.0 hay ngân sách hoạt động hạn hẹp. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành Nước Việt Nam.

Do đó, VIETWATER 2021 là dịp để các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận hướng đi phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tìm ra những giải pháp mới giúp giải quyết vấn đề ngập úng đô thị, thoát nước, xử lý nước thải hiệu quả hơn; đồng thời mở ra cơ hội hợp tác, kết nối kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng hợp



Tin tức khác


Xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung được quy định như thế nào?

Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng ở nước ta còn nhiều hạn chế.