Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt nhằm hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải một cách triệt để, đồng bộ. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, sẽ thu gom và xử lý được 78% lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn.
Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày.
Nguồn ảnh: Internet
Ghi nhận tại rạch Xuyên Tâm, đoạn chảy qua hẻm 27 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), ô nhiễm nguồn nước đáng báo động bởi tình trạng rác và nước thải sinh hoạt của người dân xả trực tiếp vào tuyến kênh đã diễn ra nhiều năm. Sống bên cạnh tuyến kênh gần 30 năm nay, bà Nguyễn Thị Hường (67 tuổi, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh) cho biết, trước đây, nước tuyến kênh này xanh trong, người dân còn dùng để tưới rau. Từ khi dân cư đến ở đông đúc, tình trạng vứt rác bừa bãi và xả thẳng nước thải sinh hoạt xuống tuyến kênh khiến ô nhiễm ngày càng nặng nề.
Hệ thống rạch Xuyên Tâm dài hơn 6km, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Hiện con rạch đang tải lượng nước thải chưa qua xử lý của 40% số người dân quận Bình Thạnh, với tổng lượng khoảng 40.000m3/ngày. Tương tự, các tuyến kênh, rạch trên địa bàn thành phố như: Rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình)… luôn trong tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi khó chịu. Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết nước thải sinh hoạt của hộ dân, hộ kinh doanh, nhà hàng, tiệm sửa xe… đều xả thẳng ra kênh rạch mà không qua xử lý.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố cấp hơn 1,8 triệu mét khối/ngày nước sinh hoạt đến người dân, tương đương sẽ có hơn 1,4 triệu mét khối nước sinh hoạt thải ra mỗi ngày. Trong khi đó, mới chỉ có 190.000m3 nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý mỗi ngày, đạt tỷ lệ chưa đến 13%. Điều này cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều việc phải làm để giảm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước từ nước thải sinh hoạt.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin, để khắc phục tình trạng ô nhiễm kênh, rạch do nước thải, thành phố đã xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm: Bình Hưng – giai đoạn 1, với công suất 141.000m3/ngày; Bình Hưng Hòa, công suất 30.000m3/ngày và Tham Lương – Bến Cát, công suất 131.000m3/ngày. Trong đó, thành phố đã hoàn thành và đưa vào vận hành 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm: Bình Hưng và Bình Hưng Hòa. Còn nhà máy Tham Lương – Bến Cát đã vận hành một phần với công suất đạt 15.000m3/ngày. Ngoài ra, để góp phần xử lý nước thải đô thị phát sinh, các trạm xử lý của khu dân cư cũng được xây dựng và đưa vào hoạt động, hiện đạt tổng công suất gần 2.165m3/ngày. Theo kế hoạch, dự kiến giai đoạn 2020-2025, các nhà máy này sẽ hoạt động 100% công suất.
Bên cạnh đó, ngay trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, thành phố sẽ hoàn thành nhiều gói thầu thuộc dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi các gói thầu hoàn thành, toàn bộ nước thải sinh hoạt lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé sẽ được thu gom, xử lý trước khi xả ra môi trường. Ngoài ra, dự án còn có mục tiêu lắp đặt thêm các tuyến cống thoát nước mưa và trạm bơm mới nhằm gia tăng khả năng tiêu thoát nước, góp phần khắc phục tình trạng ngập úng do mưa tại một số điểm trong lưu vực. Dự án cũng sẽ di dời, tái định cư cho hàng nghìn hộ dân sinh sống ven tuyến kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Đặc biệt, theo thông tin từ UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố còn có kế hoạch xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải tập trung (gồm: Tây Sài Gòn, Tân Hóa – Lò Gốm, Bắc Sài Gòn 1 và Bình Tân) bằng nguồn vốn xã hội hóa. Phạm vi khu vực nghiên cứu bao gồm 53 phường thuộc 9 quận, huyện: 6, 8, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, với diện tích 91,5km2. “Mục tiêu sẽ có 78% lượng nước thải sinh hoạt của thành phố Hồ Chí Minh được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường vào năm 2025 là có thể thực hiện được”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) góp ý, chính quyền thành phố cần đẩy mạnh kêu gọi hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý nước thải sinh hoạt. “Các cơ quan chức năng cần xác định và ban hành đơn giá phù hợp để thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư, từ đó góp phần đồng bộ hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn thành phố”, ông Lê Huy Bá nói.
Theo báo hanoimoi
Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng ở nước ta còn nhiều hạn chế.