Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong thu gom và xử lý nước thải

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong thu gom và xử lý nước thải

05/06/2021 09:47

Ngày 24/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi một số mức phạt đối với hành vi vi phạm về các quy định trong thu gom và xử lý nước thải.

Cụ thể, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP gồm: Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 1; Bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 2; Sửa đổi các khoản 4, 7, 8, 10 và 11, bổ sung các khoản 14 và 15 Điều 3; Bổ sung điểm c khoản 2, các điểm o, p, q, r , s và t khoản 3 và khoản 4 Điều 4; Sửa đổi, bổ sung Điều 6, 8, 9, 11, 12, 13, 14, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 29, 32, 33, 34, 39, 40, 44, 46, 49, 52; Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 7; Sửa đổi điểm đ khoản 8 Điều 19; Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 48; Bổ sung khoản 4 Điều 55; Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 4 Điều 56.

Đối tượng áp dụng Nghị định số 55/2021/NĐ-CP

Theo nội dung của Nghị định số 55/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về “Đối tượng áp dụng” tại Điều 2 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm:

a) Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;

c) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư;

d) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

đ) Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; e) Các đơn vị sự nghiệp công lập;

g) Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi một số mức phạt đối với hành vi vi phạm về các quy định xả và xử lý nước thải. 

Sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi xả thải và hệ thống xử lý nước thải

Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

a) Sửa đổi điểm b khoản 3 như sau:

“b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định;”

b) Sửa đổi điểm b và điểm c khoản 6 như sau:

“b) Phạt tiền bằng 50% mức phạt tiền quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này đối với hành vi xả nước thải vào hệ thông thu gom, xử lý tập trung của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề có chứa một trong các thông số môi trường (chọn thông số vượt cao nhất) vượt tiêu chuẩn tiếp nhận nước thải của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề;

c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi xả trái phép nước thải vào hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp.”

c) Sửa đổi khoản 7 như sau:

“7. Hành vi vi phạm quy định về quan trắc tự động, liên tục đối với nước thải, khí thải và các hành vi vi phạm khác về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí sản thao tác bảo đảm an toàn tại vị trí lấy mẫu khí thải, lỗ lấy mẫu khí thải theo quy định; không lắp đặt đồng hồ, thiết bị do lưu lượng để quan trắc lưu lượng nước thải đầu vào, đầu ra của hệ thống xử lý nước thải theo quy định;

b) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các hành vi không vận hành, vận hành không đúng quy trình đối với thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục; không lưu giữ số liệu quan trắc nước thải, khí thải theo quy định hoặc không truyền số liệu quan trắc về cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu theo quy định;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi lắp đặt thiếu một trong các thông số quan trắc tự động, liên tục của thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không lắp đặt camera theo dõi, không đánh giá định kỳ chất lượng hệ thống quan trắc, tự động liên tục đối với nước thải, khí thải theo quy định;

d) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục (bao gồm: thiết bị quan trắc tự động, liên tục và thiết bị lấy mẫu tự động) hoặc thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc không khắc phục sự cố hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi cố tình xây lắp, lắp đặt đường ống, cửa xả nước thải ra ngoài môi trường ở vị trí không thể thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo quy định; pha loãng nước thải, khí thải sau xử lý nhằm đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải;

e) Đối với hành vi không kiểm định, hiệu chuẩn hệ thống quan trắc nước thải hoặc khí thải theo quy định thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định tại pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường.”

d) Bãi bỏ khoản 8 và sửa đổi, bổ sung khoản 9 như sau:

“9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm tại Điều này;

b) Buộc tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản; buộc phục hồi môi trường do các hành vi vi phạm quy định tại điểm d và điểm đ khoản 5 Điều này gây ra; buộc phải lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại điểm c và điểm đ khoản 7 Điều này; buộc phải xây lắp, lắp đặt đường ống, cửa xả nước thải ra ngoài môi trường ở vị trí có thể thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoặc buộc phải tháo dỡ công trình, thiết bị để pha loãng chất thải và phải xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại điểm đ khoản 7 Điều này.”

Các trạm, nhà máy xử lý nước thải bắt buộc phải lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định. Ảnh minh họa: Ecoba ENT

Sửa đổi, bổ sung các quy định về xả có chứa các thông số môi trường nguy hại

Nghị định số 55/2021/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP​ như sau:

a) Sửa tên Điều 14 như sau:

“Điều 14. Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường hoặc xả nước thải có chứa các thông số vi sinh vật (Salmonclla, Shigella, Vibrio cholerae) theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế hoặc xả nước thải có pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật bị xử phạt như sau:”

b) Sửa đổi điểm k và bãi bỏ các điểm l, m, n, o, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y khoản 6 như sau:

“k) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) trở lên, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.”

c) Sửa đổi điểm a, điểm b khoản 12 như sau:

“a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các điểm h, i, k, l, m, n, o, p, q, r, s và t khoản 4, các điểm g, h, i, k, l, m, n, o, p, q, r và s khoản 5, các điểm e, g, h, i và k khoản 6, các điểm h, i, và k khoản 7, các điểm g, h, i và k khoản 8 và các điểm e, g, h, i và k khoản 9 Điều nảy;

b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các điểm u, ư, x, x và y khoản 4, các điểm t, u, ư, v, x và y khoản 5, và khoản 10 Điều này.”

d) Thay thế điểm b và bổ sung điểm d khoản 13 như sau:

“b) Buộc rà soát, cải tạo công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định đối với các vi phạm quy định tại Điều này;

d) Buộc phải lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.”

Ngoài ra, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung các hành vi phạm các quy định về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc triển khai xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện quan trắc, giám sát môi trường; vi phạm các quy định trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường và bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.​

Nghị định số 55/2021/NĐ-CP​ có hiệu lực từ ngày 10 tháng 7 năm 2021.

Đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường xảy ra trước ngày Nghị định số 55/2021/NĐ-CP có hiệu lực, bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định số 55/2021/NĐ-CP​ đã có hiệu lực và nếu Nghị định số 55/2021/NĐ-CP​ không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng quy định của Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước ngày Nghị định số 55/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nhưng cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Danh mục các thông số môi trường nguy hại trong nước, nước thải

Xem và tải toàn văn tại đây: Nghị định số 55/2021/NĐ-CP​

————————
Ecoba ENT là nhà thầu xử lý nước thải, nước cấp nằm trong tốp đầu tại Việt Nam, Quý Khách hàng có nhu cầu nhận tư vấn cụ thể về các thay đổi mới nhất các quy định của pháp luật về xả thải hiện nay, vui lòng liên hệ chúng tôi qua hotline 0901 68 7788 | 08 8899 0789 | 08 9966 0789.



Tin tức khác


Xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung được quy định như thế nào?

Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng ở nước ta còn nhiều hạn chế.